Hướng dẫn phòng bệnh Lùn sọc đen, Lúa cỏ và các đối tượng dịch hại khác trên lúa vụ Mùa năm 2022
Ngày 11/07/2022

Vụ Mùa năm 2022, các đối tượng dịch hại có nguy cơ phát sinh và gây hại nặng, nếu không có biện pháp phòng trừ ngay từ đầu vụ: Bệnh Lùn sọc đen, lúa cỏ, cỏ dại, ốc bươu vàng...

Nông dân các địa phương tập trung làm đất chuẩn bị cho gieo cấy vụ mùa 2022

1. Bệnh lùn sọc đen:

Bệnh lùn sọc đen là loại bệnh rất nguy hiểm, do virus gây ra, bệnh không có thuốc phòng trừ, môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng, bệnh thường gây hại nặng ở vụ mùa. Để chủ động phòng bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa, Trạm hướng dẫn một số  biện pháp kỹ thuật như sau:

- Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương, làm đất sớm hạn chế lúa chét là ký chủ phụ của rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen.

- Áp dụng các biện pháp canh tác SRI, 3 giảm 3 tăng, IPM để giúp cho cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu.

- Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ: Khuyến cáo sử dụng một trong các loại thuốc sau để xử lý hạt giống như thuốc Cruiser Plus 312.5FS; Enaldo 440 FS; Kola 600FS,… theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Phun trừ rầy trên mạ: Mạ trước khi đưa ra ruộng cấy từ 2-3 ngày phải tiến hành phun thuốc trừ rầy cho 100% diện tích bằng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn như Midan 10WP, Penalty 40WP, Oshin 20WP, …

- Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh thường xuyên kiểm tra phát hiện rầy lưng trắng, tiến hành phun thuốc trừ rầy để hạn chế môi giới truyền bệnh.

- Thường xuyên thăm đồng để phát hiện bệnh, khi phát hiện thấy cây lúa bị bệnh lùn sọc đen phải tiêu hủy kịp thời khóm lúa, dảnh lúa bị bệnh.

Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân phun trừ rầy cho 100% diện tích mạ trước khi đưa ra ruộng cấy

2. Lúa cỏ:

Lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma) là một loài thực vật có sức sống khoẻ, rất khó phòng chống. Do lúa cỏ rất giống lúa thường, hạt rất dễ rụng, dễ nảy mầm, phát triển mạnh hơn lúa thường, cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng với lúa thường, làm giảm năng suất, chất lượng của lúa trồng. Vì vậy nguy cơ lúa cỏ sẽ lan rộng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Mùa năm 2022 là rất lớn. Để hạn chế lúa cỏ phát tán, lây lan ra diện rộng cần tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:

- Do hạt lúa cỏ có thể trôi nổi và phát tán theo nguồn nước tưới tiêu, vì vậy cần khoanh vùng bị nhiễm lúa cỏ, vệ sinh đồng ruộng, kênh mương sau mỗi vụ thu hoạch.

- Sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn về chất lượng (giống nguyên chủng hoặc giống xác nhận). Tuyệt đối không sử dụng giống ở những vùng đã bị nhiễm lúa cỏ để gieo cấy cho vụ sau.

- Chuyển đổi phương pháp canh tác từ gieo sạ, gieo vãi sang cấy tay, cấy máy giúp dễ dàng phân biệt cây lúa cỏ lúc còn non khi chúng mọc ngoài hàng với lúa trồng để sớm nhổ bỏ và tiêu hủy. Sau cấy cần giữ mực nước nông trên mặt ruộng sẽ hạn chế lúa cỏ và các loại cỏ dại khác mọc.

- Trước khi gieo cấy cần làm đất kỹ và san phẳng mặt ruộng có tác dụng lâu dài trong việc giảm hạt lúa cỏ trong đất.

- Tiến hành nhổ bỏ lúa cỏ vào các giai đoạn mạ, đẻ nhánh, khử lẫn vào giai đoạn trỗ và trước khi thu hoạch đại trà.

3. Cỏ dại:

Khi sử dụng trên lúa khuyến cáo dùng các loại thuốc trừ cỏ chọn lọc an toàn cao cho người sử dụng và môi trường. Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn về nồng độ và liều lượng. Không được phun thuốc khi mực nước trong ruộng ngập đỉnh sinh trưởng của lúa, không phun thuốc vào lúc nắng gắt hay có gió lớn hoặc trời sắp mưa.   

4. Ốc bươu vàng:

Áp dụng biện pháp thủ công bắt ốc trưởng thành, thu trứng đẻ trên bờ ruộng, mương máng, bẹ lá, thân cây, que cọc trên mặt nước. Khi mật độ ốc cao 3 con/m2 trở lên, ốc tuổi nhỏ không thể bắt được bằng tay, khuyến cáo nông dân sử dụng một trong các loại thuốc hóa học như: Clodansuper 700 WP; Pazol 700 WP; Bolis 6B; … để diệt trừ. Thuốc diệt ốc bươu vàng rất độc đối với động vật thuỷ sinh nên không phun thuốc ở gần khu vực nuôi trồng thuỷ sản.

Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật Tiền Hải


Tổng lượt xem bài viết là: 78
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Bạn đánh giá:




Tin tức khác