Hiện nay lúa xuân đại trà đang ở giai đoạn phân hóa đòng, làm đòng, lúa trà muộn giai đoạn đứng cái, cá biệt có diện tích lúa Nhật đang trỗ bông. Nhìn chung các trà lúa, giống lúa sinh trưởng phát triển rất tốt. Dự kiến lúa xuân trỗ bông tập trung từ 10-25/5, diện tích cấy muộn trỗ bông sau ngày 25/5/2023.
Ảnh minh họa
Theo dự báo từ ngày 3-6/5 trên đồng ruộng có đợt sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại nở rộ, bệnh khô vằn có nguy cơ gây hại cao, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời thì sâu bệnh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lúa xuân. Để bảo toàn năng suất, UBND huyện phát động chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ cho toàn bộ diện tích lúa xuân trỗ bông sau ngày 5/5/2023; phòng trừ rầy cho diện tích có mật độ từ 800 con/m2 trở lên; bệnh đạo ôn cổ bông ở toàn bộ diện tích lúa nhiễm bệnh như BC15, TBR225, Q5,Nếp, lúa Nhật, Đài thơm 8. Bệnh khô vằn, nông dân phòng trừ khi có tỷ lệ bệnh từ 5% số khóm trở lên. Để bảo vệ lúa xuân, huyện nhà phát động chiến dịch phun thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh, thời gian từ ngày 3-6/5.
Đồng chí Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị phát động chiến dịch phòng trừ sâu bệnh sáng ngày 27/4, đồng chí Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện đã nhấn mạnh đây là đợt phòng trừ rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng của lúa xuân vì vậy các đồng chí Ban quản trị HTXDVNN các xã thị trấn, sáu hội nghị này về kiểm tra diện tích để hướng dẫn nông dân phun trừ theo nguyên tắc 4 đúng. Thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã về các đối tượng sâu hại, đồng thời kiểm tra giám sát thuốc bảo vệ thực vệ theo đúng quy định. Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi đảm bảo cấp đủ nước trong thời gian phun trừ.