Thái Bình phát triển cả cảng sông, cảng biển, sân bay, đường sắt
Ngày 14/03/2024

Theo Quyết định Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong tương lai địa phương này sẽ có hệ thống cảng sông, cảng biển, đường sắt kết nối và cảng hàng không.

Thái Bình phát triển cả cảng sông, cảng biển, sân bay, đường sắt

Phối cảnh Khu kinh tế Thái Bình - nơi dự kiến xây dựng sân bay Thái Bình - nằm trải dài ven biển ở phía Đông của tỉnh. Ảnh: Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia

UBND tỉnh Thái Bình vừa tổ chức hội nghị công bố Quyết định Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29.12.2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định Quy hoạch tỉnh cho lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định Quy hoạch tỉnh cho lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng

Theo nội dung quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá, đến năm 2050 là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm.

Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, nông nghiệp được xác định là trụ cột quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời hướng tới xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của vùng đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, xây dựng tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm công nghiệp theo hướng hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời là địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Phát triển toàn diện Khu Kinh tế Thái Bình thành hạt nhân, là trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh và với các trung tâm kinh tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Theo ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình  nội dung quy hoạch vừa công bố sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng

Theo ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nội dung quy hoạch vừa công bố sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng

Thành phố Thái Bình được xây dựng phát triển trở thành đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại; thành phố cảnh quan hai bên bờ sông Trà Lý; mở rộng không gian phát triển của thành phố theo hướng đa chức năng, trong đó mở rộng về phía Đông Bắc để hình thành đô thị cửa ngõ của Khu kinh tế Thái Bình.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ 8 chữ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình để thực hiện thành công quy hoạch tỉnh. Đó là: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiể

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ 8 chữ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình để thực hiện thành công quy hoạch tỉnh. Đó là: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu. Ảnh: Nam Hồng

Vẫn theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại Thái Bình sẽ hình thành 3 tuyến cao tốc, gồm: Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế Thái Bình - khu đô thị Trà Giang (TP Thái Bình) với tuyến Vành đai 5 - Hà Nội và vùng kinh tế phía Nam thủ đô.

Các tuyến Quốc lộ 10, 37, 37B, 39 và 39B thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hệ thống 5 tuyến tỉnh lộ quan trọng, được xác định là trục động lực phát triển, kết nối TP Thái Bình với các cửa ngõ quan trọng của tỉnh gồm ĐT.467; ĐT.468; ĐT.454; ĐT.469; ĐT.464.

Đề xuất đầu tư, xây dựng một số cảng sông quan trọng trên các sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa; bổ sung công năng các cảng chuyên dùng hiện có thành cảng tổng hợp, từng bước đầu tư xây dựng Cảng biển Thái Bình; quy hoạch tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đề xuất hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, cứu hộ cứu nạn, an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình sau năm 2030.

Thái Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển.

Đồng thời, mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất phát triển các khu chức năng quy mô lớn, hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ - du lịch đồng bộ, hiện đại, cảnh quan sinh thái, "zero carbon" ven biển hấp dẫn.

Giữ lại nguyên trạng diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

Vẫn theo Quyết định Quy hoạch số 1735/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29.12.2023, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ được giữ nguyên thay vì giảm còn 1.320ha như Quyết định số 731 do UBND tỉnh Thái Bình ban hành hồi tháng 4.2023.

Khu bảo tồn rộng khoảng 12.500ha nằm ở ngoài đê biển số 5, số 6 và trong vùng rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển, vùng biển huyện Tiền Hải, thuộc phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế phát thải.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi đất rừng ngặp mặn ven biển sang mục đích khác, thu hồi diện tích nuôi trồng hải sản kém hiệu quả để cải tạo mặt bằng tái trồng rừng nhằm khép kín đai rừng, giữ ổn định diện tích đất rừng đã được quy hoạch.

Theo:https://laodong.vn/kinh-doanh/thai-binh-phat-trien-ca-cang-song-cang-bien-san-bay-duong-sat-1311948.ldo?zarsrc=10&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&gidzl=WJbGBfyFU6Y28LGkc15xR84YLYs4G7zbp2HK88H2V3MRS54YXX9qCCXn22M74tCncdSF9ZKh01rncmX-Qm


Tổng lượt xem bài viết là: 54
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn đánh giá:




Tin tức khác